Tìm kiếm Blog này

Recent Post
Hiển thị các bài đăng có nhãn GDĐP AG. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn GDĐP AG. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 7 tháng 4, 2024

30 Địa Điểm Du Lịch An Giang!

 1. Chùa Bà Chúa Xứ An Giang – Địa Điểm Du Lịch Nổi Tiếng An Giang

Địa chỉ: chân núi Sam, trước thuộc xã Vĩnh Tế, nay thuộc phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang, Việt Nam


Miếu bà Chúa Xứ được xây dựng dựa trên truyền thuyết. Trước đây, khi người Việt tới sinh sống ở vùng này phát hiện tượng Bà ở đỉnh núi nên mới bàn nhau khiêng xuống lập miếu thờ. Tuy nhiên, Bà Chúa Xứ “hiển linh” vào một người tu hành bảo phải có 40 trinh nữ đến khiêng mới chịu đi.

2. Rừng Tràm Trà Sư An Giang – Địa Điểm Du Lịch Hấp Dẫn An Giang

Địa chỉ: Tịnh Biên, An Giang, Việt Nam.

Giờ mở cửa: 5h00-21h00



Nhắc đến sông nước là nhắc đến rừng tràm An Giang. Sẽ là một thiếu sót vô cùng nếu bỏ lỡ địa điểm du lịch An Giang này , điểm du lịch sinh thái tuyệt vời với nhiều loài động vật quý hiếm. Còn gì tuyệt vời hơn việc chẳng cần suy nghĩ gì cả. Cứ thả mình theo chiếc thuyền gỗ trôi theo dòng nước. Đắm chìm dưới bóng mát của cây tràm. Nhẹ nhàng vỗ về với tiếng chim ríu rít trên cao, thứ âm thanh nổi bật trong cái yên tĩnh mà bình yên mà ta khó lòng tìm thấy nơi đô thị bộn bề.


3. Hồ Tà Pa An Giang – Địa Điểm Du Lịch Tại An Giang

Địa chỉ: Núi Tô, Tri Tôn, An Giang


Bao quanh hồ là các vách đá to dựng đứng, trông như một hàng rào bảo vệ mặt hồ. Điểm thú vị của địa điểm du lịch An Giang là màu nước thay đổi liên tục. Đứng từ Tà Pạ, bạn sẽ có cái nhìn bao quát từ những cánh đồng vàng xanh mơn mởn đến những ngọn núi trập trùng cây xanh, vách đá. Tuy chỉ là một thung lũng nhỏ, nhưng Tà Pạ làm mê mẩn bao trái tim du khách. Nhiều cặp đôi còn chọn nơi đây làm nơi lưu giữ những kỷ niệm trọng đại nhất của cuộc đời.

4. Bậc Thang 7 Màu An Giang – Địa Điểm Du Lịch Độc Đáo An Giang

Địa chỉ: Núi Cô Tô, thuộc huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.


Địa điểm du lịch An Giang tuy nhỏ nhưng được cấu trúc bởi thiên nhiên độc đáo, bao gồm một hệ thống nhiều hang sâu, động lớn, ngõ ngách chằng chịt như mạng nhện do các tảng đá lớn, nhỏ chồng chất lên nhau, người dân địa phương gọi là lò – ảng. Gần đây đường bậc thang lên đồi được sơn đủ các màu sắc vô cùng ấn tượng.

5. Thốt Nốt Trái Tim An Giang – Địa Điểm Du Lịch Có 1-0-2 An Giang

Địa chỉ: Nằm ở huyện Tri Tôn, Tỉnh An Giang


Với khung cảnh độc đáo, sự kết hợp vô tình như hữu ý của thiên nhiên, nơi đây được nhiều cặp đôi lựa chọn là điểm “sống ảo” tình cảm. Hàng thốt nốt tạo thành hình trái tim thuộc địa phận xã An Tức, huyện Tri Tôn, là một trong những điểm check-in được giới trẻ yêu thích khi du lịch tới mảnh đất miền Tây. Từ TP.HCM, du khách có thể di chuyển đến An Giang dễ dàng bằng xe khách hoặc xe máy.

6. Chùa Koh Kas An Giang –  Địa Điểm Du Lịch Ở An Giang

Địa chỉ: Nằm ở Xã Châu Lăng của huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang


Đây là kiến trúc độc đáo, sáng tạo của người Khmer và được người ta gọi nó là cánh cổng thời gian. Bên trong trần của cánh cổng có họa tiết rất đẹp. Ngồi chùa nằm bình yên giữa cánh ruộng bao la.

7. Hồ Ô Thum An Giang – Địa Điểm Du Lịch Nên Thơ An Giang

Địa chỉ: Nằm ở phía Tây của núi Cô Tô, thuộc huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang


Theo người dân trong vùng, địa điểm du lịch An Giang đẹp nhất khi vào mùa mưa, nước mênh mông tràn lên cả bờ kè đá, tạo nên khung cảnh hoang sơ. Đặc sản của vùng là món gà đốt lá trúc Ô Thum. Ban đầu, chỉ có một quán chuyên về món ăn này. Sau thấy nhu cầu của khách cao, người dân địa phương đã mở thêm nhiều quán phục vụ.


8. Cánh Đồng Hoa Dừa Cạn An Giang – Địa Điểm Du Lịch Mộng Mơ An Giang

Địa chỉ: Nằm ở huyện Phú Tân, tỉnh An Giang 


Dừa cạn là loại cây dại mọc ở nhiều nơi. Tùy vào thổ nhưỡng, khí hậu của từng vùng mà hoa khi nở sẽ có màu sắc và dược tính khác nhau. Người dân trồng dừa cạn trên diện rộng vừa có thể khai thác nông nghiệp, vừa làm du lịch. Điển hình như người dân ở huyện Phú Tân, tỉnh An Giang có một cánh đồng dừa cạn đẹp không kém các vườn hoa ở Đà Lạt. Địa điểm du lịch An Giang này đang được giới trẻ Sài Gòn truyền tai nhau.

9. Chùa Vạn Linh An Giang

Địa chỉ: Thuộc Núi Cẩm, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang


Chùa Vạn Linh An Giang nằm trên một sườn núi thoai thoải, có hoa kiểng tươi tốt quanh năm, tạo nên một phong cảnh vừa thơ vừa thiền. Công trình được thiết kế theo lối kiến trúc cổ truyền của chùa chiền phương Đông. Phía trước tiền đường là ba ngôi tháp uy nghi.

10. Chùa Long Sơn An Giang – Địa Điểm Du Lịch Cổ Kính An Giang

Địa chỉ: Chùa Long Sơn nằm ở Núi San, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang


Chùa Long Sơn An Giang nằm trên đường lên đỉnh Núi Sam, qua Victoria Núi Sam Lodge một chút. Chùa có kiến trúc khá đẹp, thoáng mát. Đặc biệt phía sau chùa view rất đẹp, nhất là vào lúc hoàng hôn, nơi này có 1 mỏm đá cao nhìn xuống cánh đồng rộng lớn và resort Victoria Núi Sam, 1 pháo đài nhỏ bằng đá… Check in chụp vài tấm ảnh sống ảo là khỏi chê.


11. Hồ Soài So An Giang – Địa Điểm Du Lịch Hấp Dẫn An Giang

Địa chỉ: Nằm ở sườn núi Cô Tô

Hồ Soài So là điểm cắm trại và là điểm đến hấp dẫn cho các chuyến dã ngoại cũng gia đình và bạn bè. Tại đây bạn có thể tổ chức cắm trại, ăn uống, vui chơi dưới những bóng cây mát cạnh bờ hồ. Đền với hồ, du khách không những được vui chơi, tận hưởng những giây phút thư thái và dễ chịu, mà còn hiểu thêm về cuộc sống an yên miền sông nước, giữa khung cảnh thiên nhiên đầy màu sắc.

12. Chùa Lầu Tịnh Biên An Giang – Địa Điểm Du Lịch Thanh Tịnh An Giang

Địa chỉ: Nằm ở khóm Xuân Phú, thị trấn Tịnh Biên, Tịnh Biên, tỉnh An Giang


Không chỉ được biết đến là ngôi chùa có không gian thanh tịnh và kiến trúc độc đáo mà nơi đây còn níu chân du khách bởi khung cảnh tuyệt đẹp của khuôn viên xanh xung quanh chùa. Nơi đây vừa là một địa điểm hấp dẫn vừa là nơi giúp bạn giải tỏa căng thẳng sau những ngày làm việc căng thẳng.

13. Thánh Đường Al-Ehsan An Giang – Địa Điểm Du Lịch Hồi Giáo An Giang

Địa chỉ: Nằm tại tỉnh lộ 956, xã Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang


Điểm ấn tượng độc đáo của thánh đường Jamiul Azhar là trước cổng vào Thánh đường có một nghĩa trang, là nơi an táng của nhiều người Hồi giáo trên khắp Việt Nam. Lối xây dựng kì lạ này khiến thánh đường trở nên bí ẩn và có sức quyến rũ với các tín đồ theo đạo Hồi.

14. Chùa Huỳnh Đạo An Giang – Địa Điểm Du Lịch Trung Hoa An Giang

Địa chỉ: Nằm ngay tọa lạc ở khóm Vĩnh Đông 2, phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang


Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc Trung Hoa, với hai gian thờ chính và một khuôn viên lớn, bên ngoài thờ các vị thần bốn phương. Chùa Huỳnh Đạo An Giang còn có nhà thờ nằm giữa hồ với hình ảnh con rồng lớn đầy uy lực.

Tham quan khuôn viên chùa Huỳnh Đạo, bạn sẽ thấy được sự tỉ mỉ, chăm chút của người thợ đặt trên từng bức tượng công phu, tinh xảo. Màu sắc và cảnh trí ở nơi đây được sắp xếp một cách tinh tế, đẹp mắt.

15. Núi Sam An Giang – Địa Điểm Du Lịch Thiên Nhiên An Giang

Địa chỉ: Phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang


Nếu bạn đang gặp áp lực trong công việc hay học tập, thì hãy chọn núi Sam An Giang là địa điểm khám phá! Bởi đến với núi Sam bạn sẽ có cơ hội được hòa mình cùng thiên nhiên thơ mộng, tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ nơi rừng núi.

16. Núi Sập, Thoại Sơn An Giang – Địa Điểm Du Lịch Huyền Bí An Giang

Địa chỉ: Nằm ở thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, Tỉnh An Giang


Nơi đây cũng là một trung tâm du lịch, có cảnh quan núi non, sông nước rất hữu tình, thu hút hàng trăm ngàn lượt người đến tham quan mỗi năm.

Trước kia núi Sập An Giang có hình con thỏ nằm phục bên đường bên cạnh những cánh đồng lúa xanh bát ngát tới tận chân trời. Theo thời gian ngọn núi biến dạng thành một không gian núi non vô cùng huyền bí. Khu du lịch núi Sập còn gọi là khu du lịch hồ Ông Thoại và đền thờ Thoại Ngọc Hầu.

17. Lâm Viên, Núi Cấm An Giang – Địa Điểm Du Lịch Sinh Thái An Giang

Địa chỉ: Nằm ở xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang và cách Châu Đốc 36km 


Nơi đây cảnh trí sơn thủy hữu tình, khí hậu mát mẻ được ví như một phiên bản “Đà Lạt” của miền Tây. Hiện đang được tỉnh An Giang từng bước chăm chút để sớm trở thành một khu du lịch sinh thái và tâm linh cho du khách hành hương cả nước.

18. Nhà Mồ Ba Chúc An Giang – Địa Điểm Du Lịch Lịch Sử An Giang

Địa chỉ: Thuộc thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang


Nhà mồ đầu tiên được xây dựng ngay sau khi cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam kết thúc. Mỗi ngày tại Nhà mồ Ba Chúc An Giang có rất đông người dân đến thắp hương cho những vong hồn xấu số bị Pôn Pốt sát hại vô cớ.

19. Núi Cô Tô An Giang – Địa Điểm Du Lịch Hoang Sơ An Giang

Địa chỉ: Nằm ở xã Cô Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang



Nằm giữa những cánh đồng bao la, bát ngát, ngọn núi Cô Tô khoác trên mình vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ say đắm lòng người.

Những ngôi nhà được xây dựng trên các vách đá dựng đứng, từng rặng cây đung đưa theo gió như cơn sóng biển đang gợn từng cơn, đem lại khí hậu mát mẻ quanh năm.

20. Hồ Latina An Giang – Địa Điểm Du Lịch An Giang

Địa chỉ: Đoạn giáp danh giữa Tịnh Biên và Tri Tôn


Latina An Giang thường là điểm đến không thể thiếu của các phượt thủ. Nơi đây mang vẻ đẹp hài hòa giữa nước non và rừng núi. Giữa một ngọn núi cao ngất rộng lớn, là bờ hồ Latina lặng yên với dòng nước trong vắt in hình cùng những bóng cây và vách đá.


21. Búng Bình Thiên An Giang – Địa Điểm Du Lịch Bằng Thuyền An Giang

Địa chỉ: thuộc khu vực giáp ranh giữa 4 xã: Khánh An, Khánh Bình, Nhơn Hội, Quốc Thái và nằm phía Bắc huyện An Phú.


Đến với Búng Bình Thiên An Giang, du khách sẽ được trải nghiệm những cảm giác mới lạ khi đên trên lòng búng bình yên, khám phá nhà bè, lồng nuôi cá và chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên xanh mát. Đặc biệt, tại một góc khuất của búng thì du khách sẽ được ngắm nhìn những bông hoa sen hồng tươi đang đua nhau khoe sắc.

22. Khu Di Chỉ Óc Eo An Giang – Địa Điểm Du Lịch Di Tích An Giang

Địa chỉ: Thuộc vùng núi Sập – Ba Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang


Khu di chỉ Óc Eo An Giang này là một khu di tích cổ rộng lớn, gắn liền với vết tích của vương quốc Phù Nam, một quốc gia hùng mạnh ở vùng Đông Nam Á cách nay khoảng hai nghìn năm. Vì thế, khu di chỉ này không những đón tiếp du khách đến tham quan mà còn đón nhận nhiều nhà sưu tầm, khảo cổ đến đây tìm hiểu, nghiên cứu.

23. Chùa Giồng Thành An Giang – Địa Điểm Du Lịch Kiến Trúc Ấn Độ An Giang

Địa chỉ: Nằm ngay tỉnh lộ 954, phường Long Sơn, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang


Chùa Giồng Thành là một trong những di tích ở An Giang được Nhà nước công nhận, xếp hạng quốc gia vào năm 1986.

Nhìn từ bên ngoài, chùa mang dáng dấp kiến trúc Ấn Độ với mái tháp có hai tầng hình phễu, trang trí nhiều họa tiết hoa văn trang nhã.

24. Làng Văn Hóa Người Chăm An Giang – Địa Điểm Du Lịch Lạ Mắt An Giang

Địa chỉ: Thuộc huyện An Phú, tỉnh An Giang, là nơi giáp ranh giữa huyện Tân Châu và huyện Châu Đốc


Làng người Chăm An Giang rất yên bình và thanh tĩnh. Đây là một địa điểm nổi bật với những ngôi nhà sàn và thánh đường Hồi Giáo theo kiểu kiến trúc độc đáo và lạ mắt. Hơn thế nữa, con người nơi đây cũng hiền hòa và cố gắng lưu giữ những nét đẹp truyền thống của dân tộc mình.


25. Núi Két An Giang – Địa Điểm Du Lịch Độc Đáo An Giang

Địa chỉ: thuộc Thái Bình, Tịnh Biên, An Giang



Bên vách phía tây gần trên đỉnh có một tảng đá khổng lồ nằm nhô ra, theo sự mường tượng của nhiều người, nó có hình dạng như đầu một con chim két. Đây được xem như một biểu tượng mà khi đi An Giang ai cũng muốn tham quan, khám phá.


26. Làng Nổi Châu Đốc An Giang – Địa Điểm Du Lịch Trên Sông An Giang

Địa chỉ: thuộc thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang


Đến đây bạn sẽ thấy những căn nhà nổi, những bè cá xếp cạnh nhau tạo thành một làng kéo dài vài cây số.

Gió lồng lộng trên sông, du khách đi thuyền vừa ngắm cảnh dọc hai bên bờ vừa nghe cải lương, hát tân cổ giao duyên. Làng nổi Châu Đốc An Giang thật thơ mộng và yên bình.

27. Chợ Tịnh Biên An Giang – Địa Điểm Du Lịch Mua Sắm An Giang

Địa chỉ: Khu chợ nằm tiếp giáp giữa Việt Nam và Campuchia 


Chợ thường là điểm dừng chân của du khách để ăn uống và mua sắm sau những chuyến du lịch đến Châu Đốc và các vùng lân cận.

Chợ Tịnh Biên An Giang là ngôi chợ duy nhất miền Tây chuyên bán các loại côn trùng, đặc biệt là các loại cực độc. Một số loại côn trùng được kể tên như: mối chúa, rắn trun, rắn mối, rết, bò cạp, tắc kè, nhện hùm, bìm bịp, bọ rầy, v.v…


28. Đồi Tức Dụp An Giang – Địa Điểm Du Lịch Thơ Mộng An Giang

Địa chỉ: thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang



Đồi Tức Dụp An Giang sở hữu vị trí núi đồi thơ mộng, cây lá tươi xanh, trăm hoa đua nở hương sắc bốn mùa. Ðường lên đồi được lát đá phẳng và đẹp. Các hang động và hàng trăm ngõ ngách vẫn nguyên vẹn như xưa sau ngày nơi đây không còn bóng quân thù.


29. Chợ Nổi Long Xuyên An Giang 

Địa chỉ: Khu vực sông Hậu, rất gần với trung tâm thành phố Long Xuyên



Khung thời gian đẹp nhất để tham quan Chợ nổi Long Xuyên An Giang là từ 5 giờ sáng. Đặc biệt là du khách có thể được ngắm cảnh bình minh trên sông.

Một nét văn hóa đặc trưng của chợ nổi là hàng hóa được bày bán, giới thiệu trên cây sào mà người dân gọi là “cây bẹo”. Đây là kiểu quảng cáo hàng hóa độc quyền chỉ có trên chợ nổi.

30. Làng Dệt Thổ Cẩm An Giang – Địa Điểm Du Lịch Truyền Thống An Giang

Địa chỉ: Nằm ở ấp Phum Xoài, xã Châu Phong, huyện Tân Châu, tỉnh An Giang


Làng nghề thổ cẩm An Giang này lưu giữ và phát triển nét đẹp văn hóa của dân tộc với nghề dệt thổ cẩm. Đó cũng chính là một nét đẹp trong văn hóa của người Chăm

Ngắm nhìn những nét điêu luyện, khéo léo và sáng tạo trong cách trang trí của người dân. Có cơ hội tập những thao tác để dệt nên một sản phẩm nếu muốn.

Đọc tiếp »

Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2022

Nghề Chạm Khắc Gỗ Chợ Thủ (Chợ Mới - An Giang)

Nghề Chạm Khắc Gỗ Chợ Thủ (Chợ Mới - An Giang)

 

Là một tỉnh miền Tây Nam Bộ, An Giang có vị thế đặc biệt với nhiều di tích lịch sử - văn hoá nổi tiếng như lăng Thoại Ngọc Hầu, miếu Bà Chúa Xứ, chùa Tây An (ở Châu Đốc), khu thánh địa Bửu Sơn Kì Hương (ở xã Thới Sơn - huyện Tịnh Biên)...        

Trong, vùng cù lao Ông Chưởng (thuộc huyện Chợ Mới ngày nay) giữ một thế chiến lược có một không hai: được án ngữ bởi ba mặt sông (sông Tiền, sông Hậu và sông Vàm Nao) như một chiếc đầu tàu vượt sóng Mêkông để lao về phía trước. Chính vì thế, khi vừa làm chủ được vùng đất này, chúa Nguyễn liền cho xây dựng ngay chốt phòng thủ chiến lược mang tên Thủ Chiến Sai, mà danh xưng còn lưu lại cho đến ngày nay: Chợ Thủ. Đặc biệt, theo ông Lê Văn Nẩm - ông từ thứ 14 của đình Chợ Thủ - thì đình này được khởi lập từ năm 1786. Đến nay, đình Chợ Thủ vẫn còn tồn tại vững vàng như một nhân chứng cho bề dày lịch sử của vùng đất này.       

Do những điều kiện trên, vùng cù lao Ông Chưởng là vùng đất phù sa màu mỡ cùng với nguồn lợi sông nước nên từ rất lâu đã sớm trở thành khu dân cư sầm uất. Đất lành chim đậu, lưu dân người Việt chọn nơi này làm nơi dừng chân sinh sống và lập nghiệp. Đặc biệt làng Long Điền - Chợ Thủ (mà xưa thuộc thôn Kiến Long – phủ Tuy Biên; nay là xã Long Điền A) do điều kiện thuận lợi nên sớm hình thành các làng nghề thủ công mỹ nghệ:

Long Điền - Chợ Thủ quê anh

Trai chuyên làm tủ, gái sành cửi canh.

 Thợ chạm đang thực hiện kỹ thuật chạm nổi. Ảnh: Hoàng Hương


    Nghề chạm khắc gỗ ở Chợ Thủ có nguồn gốc từ miền Bắc theo hành trang của lưu dân người Việt trên đường Nam tiến, nghề này đã sớm được gieo trồng ở vùng Cao Lãnh từ các thế kỉ trước. Khi thực dân Pháp chiếm Cao Lãnh thì các nghệ nhân tản cư về vùng Chợ Thủ, trong đó có nghệ nhân Tám Dinh. Về sau, nghề này được truyền lại cho mai sau, hiện nay ông Tư Chia đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển làng nghề.

    Càng gắn bó với nghề bao nhiêu, những người thợ ở đây lại càng tỏ lòng tri ân, tôn kính tổ nghề bấy nhiêu. Đó cũng là một biểu hiện cao quý của đạo lý truyền thống dân tộc và lòng yêu nghề của họ. Mỗi năm họ tổ chức cúng tổ 2 lần: 13/ 6 và 20 tháng chạp âm lịch. Nghề chạm khắc gỗ ở đây thờ tam vị thánh tổ là: Lịch Đại tổ sư, Lỗ Ban tiên sư và Cửu Thiên Huyền Nữ – trong đó Lịch Đại tổ sư  là vị tổ lớn nhất. Việc thờ phụng cả ba vị thánh tổ này cũng phần nào cho thấy tinh thần bao dung, cởi mở, hoà đồng như bản chất con người Nam Bộ.

Kỹ thuật:

    Thao tác, kĩ thuật chạm khắc gỗ ở Chợ Thủ rất đa dạng, phong phú, nhưng có thể quy về 4 loại chính: chạm trổ, chạm lộng, chạm nổi và chạm âm. Mỗi loại chạm ứng với từng loại sản phẩm nhất định. Chạm trổ là tạo nên hình tượng không gian ba chiều và tách rời, khiến ta có thể quan sát được hình tượng từ mọi hướng, thường áp dụng đối với hình người hay thú. Chạm lộng cũng tạo nên hình tượng không gian ba chiều nhưng không tách rời nhau mà các hình tượng này dính liền nhau thành một dãy, thường áp dụng đối với các hình tứ linh hay tứ quý trên các bao lam, thành vọng. Chạm nổi tạo hình tượng nổi một phần trên nền gỗ có hoa văn đính kèm, thường áp dụng đối với các bức phù điêu. Còn chạm âm là loại chạm đơn giản, khoét lõm vào bề mặt gỗ, thường áp dụng đối với các tấm liễn (khắc các câu đối bằng chữ Nho).

Dụng cụ:

    Để tạo nên những sản phẩm tinh xảo, nghề chạm khắc gỗ ở Chợ Thủ cần đến rất nhiều dụng cụ chuyên dụng Trong đó các loại đục giữ vai trò cực kì quan trọng. Thông thường một bộ đục gồm khoảng 40 chiếc, quy về 4 loại chính: đục bạt, đục dũm, đục tách và cây chàng. Đục bạt là loại đục thông thường, có lưỡi phẳng,  dùng để phá nền, tạo khung mặt phẳng trong chạm nổi. Đục dũm có hình dáng gần giống như đục bạt nhưng  bề mặt lưỡi mô lên như hình máng xối dùng để tạo các mặt cong. Đục tách có mặt lưỡi hình chữ V dùng để khắc các đường nét . Cuối cùng là cây chàng có lưỡi nhọn hình mỏ chim dùng để khắc các nét chữ nhỏ.

    Để làm ra một sản phẩm phải qua rất nhiều công đoạn, gồm có sự tham gia của cả thợ mộc lẫn thợ chạm.

    Đầu tiên là khâu chọn gỗ. Các loại gỗ dùng chạm khắc thường là gỗ quý, gồm có: gỗ nhóm 1 như cẩm lai, bên (tức gõ đỏ) dùng đóng bàn ghế, tủ; nhóm 2 có ván hương, căm xe… dùng làm cửa; nhóm 3 có thao lao dùng làm các bao lam. Các loại gỗ này thường có nguồn gốc từ Campuchia, được tập kết về Mỹ Luông giáp ranh với Chợ Thủ.

Sau khi chọn gỗ thì người thợ cả phải xử lý gỗ, tức là tính toán đường cưa sao cho tận dụng được tối đa thân gỗ, rồi phơi nắng khoảng 10 ngày để cho gỗ định hình, không bị biến dạng sau khi chạm khắc.

    Đề tài:

Các đề tài thường là do khách hàng yêu cầu hoặc do nghệ nhân sáng tạo hoặc do hoạ sĩ chuyên nghiệp thiết kế. Các motif hoa văn thường theo mẫu có nội dung truyền thống nhưng vẫn pha thêm cảm hứng sáng tạo của  nghệ nhân. Các motif truyền thống thường là:

- Tứ quý (mai – lan – cúc – trúc) biểu tượng của 4 mùa trong năm.

- Tứ linh (long – lân – quy – phụng) biểu tượng của tinh hoa trời đất vũ trụ.

- Lưỡng long triều nhật (hay lưỡng long tranh châu) có hình hai con rồng chầu hai bên mặt trời (hay viên ngọc). Rồng biểu tượng cho nguyên lý dương nên hình tượng này biểu thị cho “tam dương”, biểu ý cho câu chúc “tam dương khai thái”, tức mọi việc đều hanh thông, thuận lợi.

- Rồng – phượng: biểu thị cho âm dương hoà hợp, trời đất giao hoà.

- Long – ẩn (tức rồng ẩn hiện trong mây), biểu thị cho cơ hội tốt lành (vân long khánh hội).

- Quy – hạc: biểu thị cho sự trường tồn, vĩnh cửu.

- Trúc – mai: tượng trưng cho chí  khí  thanh cao của người quân tử.

- Tùng – lộc: biểu thị ước vọng sống lâu và gặp nhiều may mắn.

- Quả lựu (nhiều hạt) biểu thị cho ước vọng đông con và tình yêu sâu sắc.

- Voi: chữ Hán là “tượng”, gần âm với “tường” tức điềm lành.

 

Những thợ chạm đang thực hiện kỹ thuật chạm trổ.

    Trong khi thiết kế các hình tượng này, người thợ luôn tính đến sự cân đối hài hoà của nó. Ví dụ rồng thì phải có đầu lớn (10 phần), cổ nhỏ hơn (7 phần), mình thon (9 phần) và đuôi nhỏ (6 phần). Cây thì phải có gốc to rồi nhỏ dần về trên. Trong mô típ rồng- phụng thì giữa rồng và phụng phải có độ dài ngang nhau để tạo nên tính đối xứng. Trong tứ linh thì rồng- phụng phải đặt bên trên và dài hơn, còn lân- quy phải đặt bên dưới và ngắn hơn.

    Mỗi loại mô típ hình tượng ứng một không gian bài trí nhất định. Ví dụ các mô típ tứ linh, lưỡng long triều nhật, (hay lưỡng long tranh châu), quy - hạc thì nhất định phải được đặt ở đình miếu; còn các mô típ khác thì có thể được bày trí ở nơi còn lại.

    Khâu tiếp theo là tạo nền, tạo dáng. Khâu này do thợ mộc đảm nhận. Nếu là chạm trổ hay chạm lộng thì trước tiên dùng khoan tạo lỗ xuyên qua thân gỗ rồi  tra lưỡi cưa vào tiến hành cưa lộng theo đường nét đã vẽ sẵn. Lưỡi cưa dùng để cưa lộng thường có bề gáy rất ngắn giúp đường cưa có thể uyển chuyển linh hoạt theo đường nét hoa văn uốn lượn phức tạp. Nếu là chạm nổi hay chạm âm thì dùng đục bạt phá nền, tạo khung.

    Kế đến là khâu chạm khắc do thợ chạm đảm nhận. Đây là khâu quyết định, là lúc người thợ “thổi  hồn mình vào trong từng thớ gỗ”.  Bằng cách phối hợp nhuần nhuyễn 4 loại đục (mà chủ yếu là đục dũm và đục tách), người thợ tạo tác nên nhiều đường nét, hình tượng mới lạ mà trên nền gỗ chưa hề có.

Khâu cuối cùng là cạo láng, làm bóng và sơn. Đây là thao tác tô điểm thêm cho các hoa văn hình tượng đã có. Ở Chợ Thủ không có thợ cẩn ốc xà cừ nên những sản phẩm nào cần cẩn ốc thì  phải nhờ thợ chuyên môn ở Mỹ Luông làm giúp. Như vậy, để làm nên một sản phẩm hoàn chỉnh đôi khi phải  cần có sự phối hợp của cả thợ mộc, thợ chạm và thợ cẩn.

Nghề mộc chạm khắc gỗ ở đây từ bao đời đã tạo cho Chợ Thủ một diện mạo riêng biệt so với các vùng xung quanh. Ít có ai nghĩ rằng giữa một vùng đồng ruộng chân chất lại xuất hiện một làng nghề như vậy.

**************************************



Lê Công Lý


Đọc tiếp »

Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2022

Nghề vẽ tranh trên kiếng ở Chợ Mới

Nghề vẽ tranh trên kiếng ở Chợ Mới

    Với xu hướng phát triển hiện đại, đã có nhiều gia đình từ thành thị đến nông thôn bắt đầu không còn ưa chuộng việc sử dụng các loại tranh kiếng (kính trong) để trang trí trong nhà, nhất là trên các bàn thờ tổ tiên, ông bà.

    Ông Nguyễn Văn Kiệm, ngụ TP Long Xuyên, tỉnh An Giang kể “... Hồi đó chỉ có những gia đình khá giả mới có tiền mua tranh kiếng, từ đó, đội quân bán dạo tranh này trên bộ, dưới sông rất tập nập, nhất là vào các dịp Tết Nguyên đán. Lại có khi người làm tranh bán “chịu” hẹn đến vài tháng sau khi thu hoạch lúa mới đến thu tiền...”.

                                   

Nghề vẽ tranh trên kiếng ở Chợ Mới, tỉnh An Giang.

    Nhớ lại trước đây, nhà nghèo thì chọn loại tranh khổ nhỏ, màu sắc, kiểu cách đơn giản phù hợp với túi tiền; ai khấm khá hơn thì chọn những loại tranh cao cấp hơn như: Tranh màu ngũ sắc cung đình Huế, tranh thếp nhũ vàng, tranh cẩn xà cừ… với đủ kích thước lớn nhỏ, thể loại linh hoạt, đa dạng hoặc có thể đặt thợ vẽ tranh kiếng theo sở thích của mình.

    Điều rất lý thú là hầu hết các loại tranh vẽ trên kiếng của đồng bằng sông Cửu Long xuất hiện từ các cơ sở gia công tại các xã Long Điền B, Long Kiến, Long Giang (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang); một số khác xuất hiện rất lâu đời tại TP Mỹ Tho (Tiền Giang).

    Anh Trần Quốc Việt, người đã có trên 30 năm làm nghề này tại xã Long Giang cho biết “... hồi đó xã này “sung” lắm, có đến mấy trăm hộ hành nghề rồi đi bán khắp nơi, nhiều nhất là Sài Gòn, Bình Dương, Cần Thơ, Long Xuyên...làm ngày không “xuể”, làm cả ban đêm, nhất là dịp Tết, vui lắm, nhờ đó nhiều nhà có dư, cất nhà ngon lành, giờ thì “thua” chỉ làm cầm chừng để sống và giữ nghề của cha ông để lại...”.

    Nhiều bậc “cao thủ” của nghề này kể thêm: Nghề vẽ tranh kiếng xuất hiện vào khoảng đầu những năm 1950 và phát triển mạnh rất mạnh ở huyện Chợ Mới do quán tính người dân các tỉnh Nam Bộ có truyền thống thờ cúng tổ tiên, chư Phật, Bồ tát...

 

Nghề vẽ tranh kiếng xuất hiện vào khoảng đầu những năm 1950 và phát triển mạnh rất mạnh ở huyện Chợ Mới.

    Ban đầu, các nghệ nhân dừng phương thức vẽ tranh lên giấy, sau thấy giấy mau hư nên vẽ lên các loại vải, lên chất liệu thiếc nhưng độ bền cũng không cao. Sau cùng họ đã nghĩ ra biện pháp tối ưu là vẽ tranh trên kiếng, lồng tranh vào khung gỗ sẽ giúp tranh đạt được màu sắc rực rỡ và có độ bền lâu. Phương pháp thủ công xưa là phải vẽ từ phía sau mặt kính, sau đó lật tấm kính lại và đây mới là mặt chính của tranh. Cũng bởi thế, mọi chi tiết trong tranh kiếng đều phải vẽ ngược so với quy trình vẽ tranh thông thường, chi tiết nào cần vẽ sau cùng sẽ phải vẽ đầu tiên. Khi khoa học bắt đầu phát triển mạnh, những nghệ nhân bắt đầu áp dụng phương thức kéo lụa trên kiếng với nhiều ưu điểm vượt trội như: Nhanh, đẹp, màu sắc rực rỡ, độ tương đồng giữa các bức tranh hoàn toàn giống nhau, giá thành rẻ. Hiện nay, hầu hết các cơ sở vẽ tranh trên kiếng đều thực hiện cách làm hiện đại này.

Thời kỳ thịnh đạt nhất của nghề tranh kiếng là từ năm 1995 đến 1998, lúc này huyện Chợ Mới có hơn 1.000 hộ làm nghề, thu hút hàng ngàn lao động nhàn rỗi tại địa phương và các vùng lân cận đến tham gia. Nhưng từ năm 1999 đến nay, sức tiêu thụ tranh kiếng giảm mạnh khiến nhiều người phải bỏ nghề. Đến nay, các làng nghề truyền thống chỉ còn hơn chục hộ gia đình bám trụ. Tiền làm thuê của lao động tại các cơ sở này hiện nay chỉ từ 120 đến 150.000 đồng/ngày nhưng việc làm không có thường xuyên.

 
Những bức tranh đã được hoàn thành qua nhiều khâu tỉ mỉ và công phu.

Phần lớn nội dung tranh vẽ trên kiếng đều dựa theo điển tích lịch sử như: Phật Thích Ca đi tu, Phật Bà Quan Âm...hay các câu chuyện cổ tích như: Tấm Cám, Thoại Khanh - Châu Tuấn, Nhị thập tứ hiếu, Phạm Công - Cúc Hoa, Lục Vân Tiên, Lưu Bình - Dương Lễ  … Một số người mua lại thích tranh vẽ phong cảnh, quê hương đất nước hoặc những câu đối. Thường thì một bộ tranh kiếng có 4 khung: Một khung hoành phi phía trên, một khung lớn ở giữa, hai khung liễn đối ở hai bên. Qui trình chế tác bao gồm: Cắt kiếng, in lụa, tô màu, gắn sao nháy, phơi bản, vô khuôn gỗ và xuất xưởng. Giá bán hiện nay rất đa dạng, từ 500.000 đến nhiều triệu đồng tùy thuộc kích cỡ, kiểu dáng, màu sắc, độ dầy của kiếng và độ tinh xảo của các nghệ nhân.

Ông Trần Thiện Tứ, ngụ xã Long Kiến lo lắng kể “... Nghề này được duy trì theo kiểu “cha truyền, con nối”, tụi tui có qua trường lớp gì đâu, chủ yếu là học “lóm” thôi. giờ muốn giữ nghề khó quá bởi không có đầu ra sản phẩm, giờ làm tới đâu hay tới đó...”.

Xem ra nghề vẽ tranh trên kiếng đang đứng trước nguy cơ thất truyền nếu không có các biện pháp tiêu thụ, quảng bá để các sản phẩm truyền thống dân gian mang đậm bản sắc Việt có mặt trong và ngoài nước, góp phần giải quyết việc làm cho  lao động.


Đọc tiếp »

LỊCH VẠN NIÊN

Tháng
Năm

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang